Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp

                Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các ngành cùng chính quyền các địa phương đã tiến hành điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động để làm căn cứ xây dựng kế hoạch dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn (LĐNT) cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...
      Mô hình đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa đạt năng suất,
chất lượng, hiệu quả cao tại xã Xuân Du (Như Thanh).

                 Cùng với đó, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn huy động khác để hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT. Các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT cũng đã và đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề cho LĐNT và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tổ chức được 152 lớp đào tạo nghề, với 4.792 học viên tham gia học 4 nhóm nghề. Trong đó, nhóm nghề trồng trọt 1.408 người, chiếm 29,38%; nhóm nghề chăn nuôi 1.657 người, chiếm 34,57%; nhóm nghề thủy sản 1.087 người, chiếm 22,68% và nhóm nghề dịch vụ, chế biến 640 người, chiếm 13,37%.
                  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho LĐNT đã và đang giúp nhiều lao động vận dụng kiến thức và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, từng bước chuyển dịch dần một số bộ phận lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành nghề phi nông nghiệp. Hiện, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 848.000 người, chiếm 37,5% so với tổng lao động trong độ tuổi làm việc, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 67%.
                  Mặc dù đã tạo được những chuyển biến tích cực, song công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho LĐNT còn tồn tại một số hạn chế, như: Người dân còn thụ động, lúng túng trong việc lựa chọn nghề học, lựa chọn cơ sở đào tạo nghề, chưa tích cực tham gia học nghề. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, nhiều người lao động còn thụ động trong việc đăng ký học nghề, lựa chọn nghề, cũng như tiếp cận với khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa để thay đổi tập quán sản xuất cũ.
Để công tác đào tạo cho LĐNT phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, vận động lao động trẻ tham gia học nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho LĐNT, nhất là lao động nữ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền nghề thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao.
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Tags:,